Lịch sử Thế_giới_Ả_Rập

Lịch sử sơ khởi

Thánh đường lớn Kairouan tại Tunisia (còn gọi là Thánh đường Uqba), được hình thành vào năm 670.[37].

Người Ả Rập trong lịch sử có nguồn gốc từ một nhóm Trung Semit trên bán đảo Ả Rập. Họ bành trướng ra bên ngoài bán đảo Ả Rập và hoang mạc Syria trong các cuộc chinh phục Hồi giáo vào thế kỷ 7 và 8. Lưỡng Hà bị chinh phục vào năm 633, Levant bị chinh phục từ 636 đến 640. Ai Cập bị chinh phục vào năm 639 và dần Ả Rập hoá trong giai đoạn trung đại, tiếng Ả Rập Ai Cập đặc trưng xuất hiện vào thế kỷ 16. Maghreb cũng bị chinh phục trong thế kỷ 7, và dần Ả Rập hoá dưới thời Fatima. Hồi giáo được đưa từ Ai Cập đến Sudan từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11. Văn hoá Sudan ngày nay dựa vào bộ lạc, một số là người Nubia, Beja thuần khiết hoặc văn hoá Ả Rập thuần khiết, và một số hoà trộn giữa các yếu tố Ả Rập và Nubia.[38]

Ottoman và thực dân

Đế quốc Abbas của người Ả Rập thất thủ trước Đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ 13. Ai Cập, Levant và Hejaz cũng nằm dưới quyền cai trị của Vương quốc Mamluk do người Thổ lãnh đạo. Đến năm 1570, Đế quốc Ottoman của người Thổ kiểm soát hầu hết thế giới Ả Rập. Tuy nhiên, Maroc vẫn nằm dưới quyền của Vương triều Wattasi rồi Vương triều Saadi đều gốc Berber cho đến thế kỷ 17. Vương quốc Ajuran cũng thống trị phần phía nam của vùng Sùng châu Phi.

Tình cảm chủ nghĩa dân tộc Ả Rập trỗi dậy vào nửa cuối của thế kỷ 19 cùng với các chủ nghĩa dân tộc khác trong Đế quốc Ottoman đang suy yếu. Đến khi Đế quốc Ottoman sụp đổ do Chiến tranh thế giowsii thứ nhất, phần lớn thế giới Ả Rập nằm dưới quyền kiểm soát của các đế quốc thực dân châu Âu: Lãnh thổ Ủy trị Palestine, Lãnh thổ Ủy trị Iraq, Lãnh thổ bảo hộ Ai Cập thuộc Anh, Lãnh thổ bảo hộ Maroc thuộc Pháp, Libya thuộc Ý, Lãnh thổ bảo hộ Tunisia thuộc Pháp, Algérie thuộc Pháp, Lãnh thổ Ủy trị Pháp tại Syria và Liban và chính thể gọi là Các nhà nước Đình chiến gồm một số quốc gia bộ lạc tại vịnh Ba Tư.

Các nhà nước Ả Rập này chỉ giành được độc lập trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai: Cộng hoà Liban vào năm 1943, Cộng hoà Ả Rập Syria và Vương quốc Hashemite Jordan vào năm 1946, Vương quốc Libya vào năm 1951, Vương quốc Ai Cập vào năm 1952, Vương quốc Maroc và Tunisia vào năm 1956, Cộng hoà Iraq vào năm 1958, Cộng hoà Somalia vào năm 1960, Algeria vào năm 1962, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 1971. Lãnh thổ Ả Rập Xê Út bị chia cắt sau khi Đế quốc Ottoman sụp đổ, và được thống nhất dưới quyền Ibn Saud vào năm 1932. Vương quốc Mutawakkilite Yemen cũng ly khai trực tiếp từ Đế quốc Ottoman vào năm 1918. Oman được tự quản kể từ thế kỷ 8, song từng bị gián đoạn trong thời gian ngắn dưới quyền cai trị của người Ba Tư và Bồ Đào Nha.

Hiện đại

Liên đoàn Ả Rập được thành lập vào năm 1945 nhằm đại diện cho các lợi ích của người Ả Rập, đặc biệt là nhằm thúc đẩy thống nhất chính trị của thế giới Ả Rập, một kế hoạch được gọi là chủ nghĩa liên Ả Rập.[12][13] Từng có một số nỗ lực ngắn ngủi nhằm mục đích thống nhất như vậy vào giữa thế kỷ 20, đáng chủ ý là Cộng hòa Ả Rập Thống nhất từ năm 1958 đến năm 1961. Trụ sở thường trực của liên đoàn đặt tại Cairo, song được tạm thời chuyển đến Tunis trong thập niên 1980 sau khi Ai Cập bị trục xuất do ký kết Hoà ước Trại David với Israel vào năm 1978. Chủ nghĩa liên Ả Rập hầu như đã bị từ bỏ từ thập niên 1980, và bị thay thế bằng chủ nghĩa liên Hồi giáo, và các chủ nghĩa dân tộc riêng lẻ khác.

Các thế lực thực dân châu Âu quan tâm hạn chế đối với thế giới Ả Rập, Đế quốc Anh quan tâm nhất đến kênh đào Suez do đây là một tuyến đường đến Ấn Độ thuộc Anh. Tình hình kinh tế và địa chính trị của thế giới Ả Rập thay đổi đột ngột sau khi khám phá được các trữ lượng dầu mỏ lớn trong thập niên 1930, cùng với đó là gia tăng mạnh nhu cầu dầu mỏ tại phương Tây do cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Vịnh Ba Tư đặc biệt phong phú về loại nguyên liệu thô chiến lược này: Năm quốc gia ven vịnh Ba Tư là Ả Rập Xê Út, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait và Qatar nằm trong mười quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hoặc khí đốt lớn nhất thế giới. Tại Bắc Phi, Algeria và Libya là các quốc gia xuất khẩu dầu khí quan trọng. Ngoài ra, Bahrain, Ai Cập, Tunisia và Sudan cũng có các trữ lượng dầu khí nhỏ nhưng đáng kể. Dầu khí có tác động quan trọng đối với chính trị khu vực, thường tạo điều kiện xuất hiện quốc gia lợi tức, dẫn đến bất bình đẳng về kinh tế giữa các quốc gia giàu dầu mỏ và nghèo dầu mỏ, và dẫn đến nhập khẩu lao động quy mô lớn. Thế giới Ả Rập được cho là sở hữu khoảng 46% trữ lượng dầu mỏ được chứng minh của thế giới và một phần tư trữ lượng khí đốt thiên nhiên của thế giới.[39]

Chủ nghĩa Hồi giáo và chủ nghĩa liên Hồi giáo trỗi dậy trong thập niên 1980. Đảng Hồi giáo chiến binh Hezbollah tại Liban được thành lập vào năm 1982. Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trở thành một vấn đề trong thế giới Ả Rập từ thập niên 1970 đến thập niên 1980. Anh em Hồi giáo hoạt động tại Ai Cập kể từ năm 1928, các hành động quân sự của họ hạn chế trong các nỗ lực ám sát giới lãnh đạo chính trị.

Sự kiện thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948 làm nảy sinh xung đột Ả Rập-Israel, một trong các cuộc xung đột địa chính trị lớn nhất chưa được giải quyết. Các quốc gia Ả Rập từng tham gia một số cuộc chiến với Israel và các đồng minh phương Tây của Israel từ năm 1948 đến năm 1973, trong đó có Chiến tranh Ả Rập-Israel 1948, Khủng hoảng Kênh đào Suez 1956, Chiến tranh Sáu ngày1967, Chiến tranh Yom Kippur 1973. Hiệp định Hoà bình Ai Cập-Israel được ký kết vào năm 1979.

Chiến tranh Iran–Iraq kéo dài từ tháng 9 năm 1980 đến tháng 8 năm 1988, đây là cuộc chiến tranh quy ước dài thứ nhì trong thế kỷ 20. Cuộc chiến khởi đầu khi Iraq xâm chiếm Iran sau một thời gian dài tranh chấp biên giới, và lo ngại về cuộc nổi loạn của người Hồi giáo Shia chiếm đa số tại Iraq. Iraq cũng đặt mục tiêu thay thế Iran để trở thành quốc gia chi phối trong vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, Iraq chỉ tiến quân hạn chế vào lãnh thổ Iran và nhanh chóng bị người Iran đẩy lui và sau đó phản công.

Nội chiến Liban là cuộc xung đột nhiều phương diện tại Liban, kéo dài từ năm 1975 đến năm 1990 và kết quả là khoảng 120.000 người thiệt mạng. Chiến tranh Tây Sahara là một cuộc đấu tranh vũ trang giữa Mặt trận Polisario Sahrawi với Maroc từ năm 1975 đến năm 1991, là giai đoạn quan trọng nhất trong xung đột Tây Sahara. Xung đột bùng phát sau khi thực dân Tây Ban Nha rút đi và binh sĩ Maroc tiến vào Tây Sahara, còn Mặt trận Polisario muốn lập một quốc gia độc lập trên lãnh thổ này. Nội chiến Somalia bắt đầu từ năm 1991, khi một liên minh các tổ chức chống đối có vũ trang lật đổ chính phủ quân sự nắm quyền từ lâu. Các phe phái khác nhau sau đó bắt đầu cạnh tranh để giành ảnh hưởng trong khoảng trống quyền lực.

Ngày nay, các quốc gia Ả Rập có đặc điểm là những người cai trị chuyên quyền và thiếu kiểm soát dân chủ. Chỉ số dân chủ 2016 phân loại Liban, Iraq, Palestine là "chế độ hỗn hợp", Tunisia là "chế độ dân chủ không hoàn thiện", và toàn bộ các quốc gia Ả Rập còn lại là "chế độ độc tài". Tương tự, báo cáo của Freedom House vào năm 2011 phân loại ComorosMauritanie là "chế độ dân chủ tuyển cử",[40] Liban, Kuwait và Maroc là "tự do một phần", và các quốc gia Ả Rập còn lại là "không tự do".

Quân đội Iraq xâm chiếm Kuwait vào năm 1990, dẫn đến Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991. Ai Cập, Syria và Ả Rập Xê Út gia nhập một liên quan đa quốc gia chống Iraq. Jordan và Palestine thể hiện ủng hộ Iraq, dẫn đến căng thẳng trong quan hệ giữa nhiều quốc gia Ả Rập. Sau chiến tranh, thứ gọi là "Tuyên ngôn Damascus" chính thức hoá một liên minh hành động phòng thủ Ả Rập chung trong tương lai giữa Ai Cập, Syria và các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.[41]

Đầu thế kỷ 21, một chuỗi sự kiện đã làm mất ổn định một cách rõ ràng các chế độ độc tài được thành lập từ thập niên 1950 trong thế giới Ả Rập. Cuộc tấn công Iraq 2003 khiến chế độ Baath sụp đổ và hành quyết Saddam Hussein. Một tầng lớp công dân trẻ tuổi, có giáo tục và thế tục ngày càng phát triển, họ có khả năng tiếp cận truyền thông hiện đại như internet và bắt đầu hình thành lực lượng thứ ba bên cạnh cuộc phân đôi truyền thống giữa chủ nghĩa liên Ả Rập và chủ nghĩa liên Hồi giáo. Các cuộc kháng nghị của quần chúng trên khắp thế giới Ả Rập từ cuối thập niên 2010 cho đến nay đã chống đối trực tiếp giới lãnh đạo chuyên quyền và tham nhũng chính trị gắn với họ, đi cùng với yêu cầu về các quyền lợi dân chủ hơn. Hai cuộc xung đột bạo lực nhất và kéo dài nhất trong Mùa xuân Ả RậpNội chiến LibyaNội chiến Syria.